Những lưu ý khi lựa chọn ngành nghề cho tương lai

04:10 | 05/03/2021
18 tuổi, nhiều bạn trẻ đang phải đối mặt với quyết định quan trọng đầu tiên trong đời: công việc, chọn ngành nghề, chọn trường theo đam mê hay mong muốn của gia đình.

Tác phẩm nổi tiếng Cuộc phiêu lưu của Alice vào xứ sở thần tiên kể rằng, cô bé Alice đi lạc đến một ngã ba đường và gặp chú mèo Cheshire. “Bạn có thể nói cho tôi biết, tôi nên đi theo đường nào không?”, cô bé hỏi. “Cô muốn đi đâu?”, chú mèo đáp.

Alice trả lời: “Đi đâu cũng được, tôi cũng không quan tâm lắm”. “Thế thì đi đường nào cũng vậy thôi, có quan trọng gì đâu!”, chú mèo nói.

Cũng như cô bé Alice, nếu bạn đang cảm thấy mất phương hướng trong “mê hồn trận” chọn ngành, chọn trường hay phân vân con đường phía trước nhưng lại không có mục tiêu rõ ràng, thì ngã rẽ nào cũng không còn quan trọng vì chỉ mang tính tạm thời. Bạn cần tỉnh táo và sáng suốt để đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân.

Đừng chạy theo số đông, hãy bảo vệ chính kiến

Đứng trước lựa chọn ngành học để lập nghiệp trong tương lai, tâm lý đám đông sẽ tác động không nhỏ đến quyết định của bạn. Đây là trạng thái tâm lý khá phổ biến và đang trở thành “căn bệnh khó chữa” trong mỗi người Việt.

Điều này xuất phát từ việc bạn chưa nắm bắt đầy đủ thông tin để xác định rõ mục tiêu bản thân. Vì thế, bạn quan sát những người xung quanh để đưa ra quyết định lựa chọn ngành nghề vì tin tưởng sự lựa chọn của số đông luôn đúng. Phần lớn có quan niệm đổ xô vào những ngành học hot thì ra trường sẽ dễ dàng tìm kiếm công việc với mức lương cao.

Tuy nhiên, bạn lại quên rằng khi cung lớn hơn cầu, tỷ lệ chọi và điểm chuẩn đầu vào các ngành này bị đẩy tăng vọt, đồng nghĩa cơ hội trúng tuyển sẽ thấp hơn. Ngoài ra, thị hiếu của xã hội không ngừng thay đổi, không ai biết 4 hoặc 5 năm sau, ngành học bạn lựa chọn không “bão hòa” nhân lực.

Chạy theo số đông không sai, nhưng không phải điều gì số đông lựa chọn cũng tốt nhất. Có những thứ chỉ phù hợp với một số người. Bạn nhìn vào thấy rất rực rỡ, nhưng không phải sở thích, sở trường của mình thì sẽ nhanh chóng chán nản.

Theo nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, hơn 26% sinh viên ra trường thất nghiệp và hơn 70% làm trái ngành nghề. Nhiều bạn học đến năm 3, 4 hoặc thậm chí tốt nghiệp mới phát hiện mình trót yêu ngành nghề khác. Thực tế dẫn đến việc lãng phí nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và đánh mất cơ hội của bản thân.

Vậy nên, trước khi bước vào “trận chiến” đại học cam go này, bạn cần tìm hiểu chi tiết các yêu cầu, tính chất, triển vọng tương lai và cơ hội việc làm của ngành nghề mình sắp lựa chọn. Hãy nhớ rằng, đừng để quan điểm của người khác làm mờ nhạt đi chính kiến và kiên định với định hướng đã lựa chọn.

Đừng theo đuổi đam mê, nếu bạn không thật sự giỏi

Bạn đang sống trong thời đại đam mê được quan tâm và ủng hộ hơn bao giờ hết. Trong những lúc rối ren, bạn sẽ nhận được lời khuyên: Hãy theo đuổi đam mê; tuổi trẻ không đam mê thì đợi đến khi nào? Đây là những lời khuyên hữu ích, có tính khích lệ tinh thần và truyền cảm hứng không nhỏ. Tuy nhiên, thông điệp ấy đang bị “thần thánh hóa” khiến nhiều bạn trẻ ảo tưởng đam mê sẽ giúp họ “bơm” đầy năng lượng, lao vào công việc một cách hăng say, hứng thú và đạt được thành công trong cuộc sống.

Vấn đề quan trọng ở chỗ đam mê chưa chắc phù hợp với năng lực bạn đang có. Không phải người đam mê kinh doanh đều trở thành doanh nhân thành đạt; yêu thích âm nhạc sẽ thành ca sĩ nổi tiếng. Như con quạ trong truyện ngụ ngôn, dù sống trong hồ và ăn cỏ dại thì mãi cũng không thể biến thành thiên nga.

Bạn trẻ đừng chỉ nhìn vào phần nổi của tảng băng chìm, chỉ nghe kể về một Steve Jobs bỏ học trở thành tỷ phú. Bạn hãy nhìn ra ngoài đời thực, vẫn còn nhiều người đang phải chấp nhận cuộc sống chấp vá và đầy thương tích để chạm tay vào đam mê. Khi theo đuổi đam mê, bạn phải xác định con đường này gian truân, đầy thử thách và đôi khi phải học cách chấp nhận cả rủi ro và thất bại. Vậy nên, bạn hãy suy xét xem mình đang ở đâu, năng lực thực sự là gì và liệu đam mê có khả thi hay không.

Một ngành nghề phù hợp cần thỏa mãn 3 yếu tố: Đam mê, năng lực và nhu cầu xã hội. Khi đã xác định được các yếu tố trên, việc lựa chọn ngành nghề sẽ trở nên dễ dàng hơn.

 

  • Copy link
  • Mail
  • Twitter
  • Facebook
  • Chia sẻ:
Các tin khác