NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ BẢN CHẤT ĐẠO ĐỨC NGHỀ GIÁO TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY

03:56 | 08/11/2023

GVC. TS. NGUYỄN NGỌC BÍCH

Chủ tịch Hội đồng Trường – Phó Hiệu trưởng Trường CĐYT

 

      Nghề giáo - nghề trồng người được xã hội luôn quan tâm và đòi hỏi rất cao về chuyên môn lẫn sự mẫu mực đạo đức. Những hành vi ứng xử vi phạm đạo đức nghề giáo của một bộ phận giáo viên thời gian gần đây đang gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Bài viết bàn luận đến việc cần nhận thức đầy đủ bản chất và những biểu hiện của đạo đức nhà giáo, nội dung bồi dưỡng những chuẩn mực đạo đức nghề giáo cho đội ngũ giáo viên trong bối cảnh hiện nay nhằm đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn.

      Nghề giáo là một nghề đặc biệt: nghề trồng người nên được cả xã hội quan tâm, tôn vinh và đòi hỏi rất cao không chỉ về chuyên môn mà còn cả sự mẫu mực về đạo đức. Cũng vì thế, từ bao đời nay, “Tôn sư trọng đạo” đã trở thành truyền thống, thước đo nền văn hóa của xã hội.

      Trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay, nhà giáo là một chủ thể quan trọng, có vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả của sự nghiệp giáo dục. Với sứ mạng thiêng liêng là dạy dỗ, truyền đạt kiến thức được đúc kết từ đời này sang đời khác cho học sinh, giúp xã hội tồn tại và không ngừng phát triển. Bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm và tình yêu nghề nghiệp, nhà giáo luôn phải là tấm gương đạo đức mẫu mực để trò học hỏi và noi theo. Ngày 21-10-1964, trong buổi nói chuyện với giáo viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương song những người thầy giáo tốt luôn là những người anh hùng vô danh" [3,tr.612] .

Kinh tế thị trường bên cạnh những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước cũng đồng thời có những tác động tiêu cực đến đạo đức xã hội trong đó có đạo đức nhà giáo. Việc một vài giáo viên có hành vi vi phạm đạo đức nghề giáo trong thời gian gần đây đã gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm đau lòng các nhà giáo chân chính, làm tổn hại đến hình ảnh tốt đẹp của các Nhà giáo Việt Nam.

      Thực tiễn đòi hỏi các nhà giáo bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn còn phải không ngừng nâng cao nhận thức, tu dưỡng, thực hiện các chuẩn mực đạo đức nghề giáo trong các mối quan hệ của người thầy với công việc, với đồng nghiệp, với học trò, với các tổ chức đoàn thể, với phụ huynh, với nhân dân, để xứng đáng với sự tin yêu của xã hội, của học trò, xứng đáng với danh hiệu "Nhà giáo là những kĩ sư tâm hồn".

Đạo đức nhà giáo là tổng thể các mối quan hệ giữa sư đạo (lí tưởng nghề giáo) - sư đức (đạo đức nghề giáo) và sư thuật (kĩ thuật, nghệ thuật nghề giáo) nghĩa là một nhà giáo chân chính không chỉ yêu nghề, phấn đấu hi sinh vì lí tưởng nghề nghiệp mà còn phải có đầy đủ phẩm chất, năng lực của một nhà giáo cũng như phải có kĩ năng, phương pháp, thủ thuật để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ dạy học, giáo dục thế hệ trẻ.

      Nhà giáo phải có lòng yêu người, yêu trẻ mới có lòng yêu nghề, yêu lao động sư phạm. Người thầy phải luôn nghĩ đến việc cống hiến cho sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ. Trong công tác họ luôn luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, luôn cải tiến nội dung và phương pháp dạy học, không tự thỏa mãn với trình độ hiểu biết và tay nghề của mình. Họ thường có niềm vui khi được giao tiếp với học sinh, sinh viên; sự giao tiếp này sẽ làm phong phú cuộc đời người thầy, có nhiều cảm xúc tích cực và say mê hơn. Để đạt được thành tích trong công tác, người thầy giáo phải có một phẩm chất – đó là tình yêu nghề giáo.

       Trong bài nói chuyện tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 29-6-1962, Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói: “Những thầy giáo không yêu nghề cũng có nghĩa là đồng chí đó không yêu người. Càng yêu người bao nhiêu thì càng yêu nghề bấy nhiêu” [2,tr.76]. Trong thực tế có rất nhiều tấm gương các nhà giáo hết lòng yêu nghề. Họ đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục và được rất nhiều thế hệ học trò kính trọng. Rất nhiều thầy, cô giáo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa đã vượt qua muôn vàn khó khăn về vật chất và tinh thần để cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp “trồng người” vẻ vang. Có thể thấy sư đạo - lí tưởng nghề giáo chính là sự nghiệp trồng người bằng kiến thức sư phạm và sự mẫu mực của người thầy. Vì thế, với người chọn nghề giáo luôn xác định phải vì sự nghiệp trồng người, tất cả vì học sinh thân yêu, phải luôn tu thân trở thành tấm gương, nhà sư phạm mẫu mực suốt đời.

Những tiêu chí cơ bản để đánh giá đạo đức nhà giáo bao gồm:

      - Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng. Tận tụy với công việc, thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trường, của ngành. Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất, năng lực giảng dạy của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí.

      - Thực hiện phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc; thường xuyên học tập nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; sống trung thực, lành mạnh, là tấm gương tốt cho học sinh.

      - Ứng xử với học sinh thương yêu, tôn trọng, đối xử công bằng với học sinh, giúp học sinh khắc phục khó khăn để học tập và rèn luyện tốt.

      - Ứng xử với đồng nghiệp, đoàn kết, hợp tác, cộng tác với đồng nghiệp; có ý thức xây dựng tập thể tốt để cùng thực hiện mục tiêu giáo dục.

      - Có lối sống lành mạnh, văn minh, phù hợp với bản sắc dân tộc và nghề nghiệp.

      Dạy học là một lao động đặc biệt, đòi hỏi phải đầu tư thời gian và công sức nhiều nhưng không có thu nhập cao. Trong nền kinh tế thị trường, việc trả công cho các ngành nghề được tính theo hao phí sức lao động và hiệu quả làm việc, giữa các nghề có sự cạnh tranh trong việc thu hút nguồn nhân lực. Nghề có thu nhập cao thường thu hút nguồn nhân lực có chất lượng hơn. Trong những năm qua, mặc dù ngành giáo dục đã được Đảng, Nhà nước quan tâm nhưng đời sống của nhà giáo vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là đối với các nhà giáo ở vùng xa xôi, hẻo lánh, có đồng bào dân tộc ít người...

      Bên cạnh đó, phải nhắc đến một bộ phận nhà giáo đã và đang theo nghề nhưng cuộc sống khó khăn đã đẩy họ theo đuổi nhiều công việc khác để mưu sinh, không thể toàn tâm, toàn ý, dành nhiều thời gian, sức lực để đầu tư cho chuyên môn. Mặt khác, hình ảnh mẫu mực về một nhà giáo từ lời ăn tiếng nói, tác phong mô phạm, tư duy về quan hệ thầy - trò trong sáng... đang bị mai một bởi lối sống thực dụng, quan hệ hàng - tiền trong cơ chế thị trường... Niềm tin của phụ huynh, học sinh đối với người thầy bị lung lay bởi các lớp dạy thêm có chủ đích để tăng thu nhập của thầy, bởi hiện tượng gian dối trong thi cử... đang làm cho chúng ta nhức nhối. Khi tấm gương người thầy không còn trong sáng thì sản phẩm giáo dục của chúng ta là những học trò cũng bị ảnh hưởng. Hiện tượng học sinh đánh hội đồng bạn mình, quay cóp trong thi cử, mua điểm, mua bằng giả, cãi nhau thậm chí đánh lại thầy giáo của mình xảy ra gần đây không ít. Điều này rung lên hồi chuông báo động, khiến các cấp quản lí, các nhà trường, nhà giáo phải xem xét một cách tổng thể nhiều vấn đề trong đó có việc lựa chọn, đào tạo được đúng những người có năng lực, có phẩm chất nhà giáo. Bên cạnh đó, cần có qui chế, thiết chế trong việc tuyển dụng, khen thưởng và kỉ luật một cách nghiêm minh, trọng dụng người tài, nêu gương những nhà giáo tiêu biểu...

      Thực hiện giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Quốc sách ở đây không phải là lý thuyết hay khẩu hiệu mà phải biến thành chính sách và hành động thực tế. Do đó, cần nắm bắt, giải quyết tốt nguyện vọng và các lợi ích chính đáng, thiết thực của đội ngũ nhà giáo, để kịp thời động viên họ yên tâm công tác, ra sức học tập, phấn đấu trau dồi hơn nữa chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Quan tâm thực hiện tốt chế độ ưu đãi, khen thưởng, đảm bảo điều kiện làm việc, sinh hoạt đối với nhà giáo, nhất là những nhà giáo có trình độ, có học hàm, học vị cao, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Mặt khác, khi xem xét, giải quyết và bảo đảm các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo phải thực sự dân chủ, công khai, công bằng, kịp thời, chính xác. Kiên quyết đấu tranh, lên án và khắc phục kịp thời mọi biểu hiện vi phạm trong thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, của ngành giáo dục đối với các nhà giáo.

Công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo đặt lên vai các nhà giáo dục trọng trách to lớn đòi hỏi mỗi giáo viên phải không ngừng học hỏi, rèn luyện nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng, phẩm chất của nhà giáo. Nhận thức rõ được những yêu cầu của công cuộc đổi mới, từ đó vạch ra kế hoạch bồi dưỡng nâng cao đạo đức nghề giáo, kỹ năng dạy học của mình, các giáo viên sẽ thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục ngày càng tốt hơn, góp phần thiết thực vào công cuộc đổi mới hiện nay, xứng đáng với lời tôn vinh của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng:"Nghề giáo là nghề cao quí nhất trong những nghề cao quí; sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo".

      Để việc bồi dưỡng đạo đức nghề giáo được thực hiện một cách hiệu quả trong tình hình hiện nay, đòi hỏi sự quan tâm, thực hiện đồng bộ của cả hệ thống gồm:

      - Bản thân các giáo viên: Rèn luyện phẩm chất đạo đức luôn luôn là yếu tố tự thân, đòi hỏi mỗi nhà giáo luôn phải có kế hoạch phấn đấu không ngừng nâng cao trình độ, tu dưỡng, rèn luyện các phẩm chất đạo đức của nhà giáo, xứng đáng là một tấm gương mẫu mực để các thế hệ học sinh noi theo. Trong nền kinh tế thị trường, nghề giáo được quan niệm là một dịch vụ đặc biệt nên phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn của nhà giáo cũng góp phần làm nên thương hiệu của mỗi giáo viên không chỉ mang lại niềm tự hào mà còn làm nên giá trị đích thực của nhà giáo. Đây là yếu tố khích lệ, động viên các nhà giáo không ngừng vun đắp, bồi dưỡng đạo đức nghề giáo cũng như trình độ chuyên môn của mình.

      - Đối với các cấp quản lí: Bộ môn, nhà trường, các tổ chức đoàn thể thường xuyên theo dõi, nhắc nhở, động viên, ban hành các qui định đánh giá phẩm chất, trình độ chuyên môn của nhà giáo một cách minh bạch, công khai, công bằng để thúc đẩy các giáo viên trong việc giữ gìn đạo đức nhà giáo.

      - Đối với Bộ Giáo dục & Đào tạo và Chính phủ: Cần quan tâm hơn nữa đến tính chất đặc thù của lao động nghề giáo. Đây là lao động phức tạp, khó khăn đòi hỏi nhà giáo phải có những tố chất, năng lực đặc biệt để hoàn thành nhiệm vụ. Ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... cộng đồng dễ nhận ra tầm quan trọng và năng lực khác biệt như họ.

      Vì vậy, cần có chủ trương, chính sách khuyến khích, động viên các nhà giáo yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý đến hoạt động nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nhà giáo đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới trong ngành giáo dục đào tạo hiện nay.

                                                                     Người viết: GVC. TS. NGUYỄN NGỌC BÍCH

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Bộ giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

[2] Lê Duẩn (1976), "Cách mạng Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam", Nxb Sự Thật, Hà Nội

[3] . Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị Quốc gia, H

[4] Đặng Thành Hưng (2013), Bản chất và đặc điểm của hành vi dạy học, Tạp chí Giáo chức số 76 tháng 8/2013, Hà Nội

[5]. Legge, Karen (2004), Human resource management: Rhetorics and Rralities, Palgrave Macmillan, ISBN 1-403-93600-5.OCLC 567 30540

  • Copy link
  • Mail
  • Twitter
  • Facebook
  • Chia sẻ:
Các tin khác