Việc tiếp cận và cập nhật thông tin y dược để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe là điều không thể thiếu trong hoạt động y tế.
Thông tin thuốc theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO Drug Information) là cung cấp một cách tổng quan về các vấn đề xác đáng liên quan đến thuốc dựa trên các nguyên tắc và điều luật cụ thể. Bên cạnh đó, thông tin thuốc tại các cơ sở điều trị còn giúp cho các cán bộ y tế nắm bắt các thông tin về thuốc mới, văn bản về dược, các phản ứng phụ của thuốc cập nhật.
Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, việc tìm kiếm thông tin tương đối dễ dàng và đa dạng. Tuy nhiên, đâu là nguồn thông tin đáng tin cậy, tin cậy ở mức độ nào lại là câu hỏi khó trả lời. Sự phân cấp thông tin trở nên tất yếu và cần thiết để đáp ứng nhu cầu tra cứu và phân lập nguồn tin. Nguồn thông tin thuốc thường được chia thành 3 loại: nguồn thông tin cấp một, nguồn thông tin cấp hai và nguồn thông tin cấp ba.
Nguồn cấp 1 (primary sources)
Bao gồm các bài báo, công trình gốc đăng tải đầy đủ trên các tạp chí, kỷ yếu công trình khoa học, luận án,…
Các thông tin này thường do tác giả công bố mà không có sự can thiệp đánh giá của bên thứ hai. Nguồn thông tin này cung cấp thông tin chi tiết, đầy đủ về một nghiên cứu, phong phú và cập nhật. Khi sử dụng nguồn thông tin thứ nhất, người sử dụng có thể xác định được phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu và các kết luận cụ thể mà tác giả đạt được. Tuy nhiên, các kết luận từ các nghiên cứu đơn lẻ có thể không chính xác.
Các dạng đăng tải được xem như nguồn thông tin cấp 1 bao gồm: các thử nghiệm tiền lâm sàng (tế bào, động vật,…), các nghiên cứu lâm sàng, thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, các nghiên cứu đoàn hệ, nghiện cứu bệnh chứng, các báo cáo một ca hay hàng loạt ca,..
Nguồn cấp 2 (secondary sources)
Bao gồm các cơ sở dữ liệu ( Pubmed (Medline), Embase, Scopus, Toxline, Web of Science,…) và các bài tổng quan (review) viết bởi các chuyên gia trong lĩnh vực về một vấn đề nào đó.
Nguồn cấp hai cho phép tra cứu danh mục hay tóm tắt các tài liệu thông tin cấp 1, với mục đích hướng người dùng đến tài liệu cấp 1 liên quan. Khi muốn tìm hiểu về một vấn đề cụ thể, người ta có thể tham khảo nguồn thông tin cấp hai để tiếp cận vấn đề một cách toàn diện với danh mục các thông tin liên quan hay bài tóm tắt. Như vậy thì nguồn thông tin này tổng kết các thông tin liên quan, giúp tìm kiếm nhanh và có hệ thống. Tuy nhiên, khi muốn tham khảo thông tin chi tiết người tra cứu cần phải quay lại với nguồn thông tin thứ nhất.
Một số cơ sở dữ liệu:
Google Scholar (http://scholar.google.com.vn/),
Medline/Pubmed (http://www.nvbi.nlm.nih.gov/punmed),
Embase (http://embase.com/login),...
Nguồn cấp 3
Là các thông tin được xây dựng bằng cách tổng hợp các thông tin từ hai nguồn trên, thường được công bố dưới dạng sách giáo khoa, các bản hướng dẫn điều trị chuẩn,…
Thông tin được các tác giả tổng hợp từ các nguồn, các nghiên cứu khác nhau nên có tính tổng hợp, khái quát, đầy đủ và đáng tin cậy. Tuy nhiên, tính cập nhật của nguồn thông tin này kém và chất lượng thông tin phụ thuộc vào tác giả. Khi cần tìm hiểu thông tin chi tiết, người sử dụng vẫn cần phải quay lại nguồn thông tin cấp một.
Một số nguồn thông tin cấp ba: Dược lý học (ĐH Y Hà Nội), Meyler’s Side Effects of Drugs, Dược Thư Quốc gia Việt Nam