BIA, RƯỢU VÀ NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT

 

 

      Theo thống kê cho thấy Việt Nam là một nước luôn nằm trong top tiêu thụ bia, rượu lớn nhất thế giới. Bia, rượu luôn xuất hiện trong bất kỳ sự kiện hay dịp lễ nào như tết, sinh nhật, đám cưới, liên hoan, ngay cả trong bữa cơm gia đình.

      Rượu là một hợp chất có tên là Alcohol. Trong tất cả các loại rượu chỉ có rượu etylic là uống được (tên quốc tế là Etanol). Rượu etylic có công thức là C2H5OH, là chất lỏng, không màu, mùi thơm, vị cay, tan vô hạn trong nước, uống nhiều gây nghiện. Rượu etylic được điều chế bằng phương pháp truyền thống là lên men rượu. Rượu dùng để uống có độ rượu (độ cồn) thường là 30-40 độ, còn trong bia độ cồn thấp hơn, thường dưới 5 độ.

Công dụng của etanol:

  • Etanol là một trong những nguyên liệu để tạo ra đồ uống có cồn như bia, rượu.
  • Trong y học Etanol dùng để sát khuẩn, ở nồng độ nhất định còn là dung dịch dùng để tẩy rửa, vệ sinh các dụng cụ y tế.
  • Etanol được dùng làm dung môi để pha dược phẩm, nước hoa
  • Etanol dùng để điều chế một số hợp chất hữu cơ
  • Ethanol dùng trong công nghiệp in, công nghiệp điện tử, dệt may

Chuyển hóa của rượu trong cơ thể:

      Khi uống rượu vào cơ thể, rượu được hấp thu vào cơ thể thông qua hệ tiêu hóa: 20% ở dạ dày và khoảng 80% ở ruột non, đi vào máu. Một lượng nhỏ rượu được bài tiết qua mồ hôi, hơi thở, nước tiểu và khoảng 90% rượu được chuyển hóa tại gan.

 

Sơ đồ chuyển hóa rượu trong cơ thể

 

      Etanol trong cơ thể người được chuyển hóa thành acetaldehyd (CH3CHO). Đây lại là một chất có độc tính cao hơn so với etanol. Acetaldehyd liên quan tới phần lớn các triệu chứng lâm sàng liên quan tới rượu.

Tác hại của bia, rượu:

      Ngoài các tác hại dễ nhận thấy sau khi uống bia, rượu như: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi,… chất cồn trong bia, rượu còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu cho thấy, uống nhiều bia, rượu tổn hại đến sức khỏe: ảnh hưởng đến não bộ, tim mạch, gây viêm loét dạ dày, gây xơ gan, ung thư gan, ảnh hưởng đến sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản,… Nghiêm trọng hơn ngộ độc bia, rượu có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, uống nhiều bia, rượu cũng là một nguyên nhân tiềm ẩn gây tai nạn giao thông.

Mức xử phạt khi uống bia, rượu tham gia giao thông:

      Căn cứ vào Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định về mức độ khi vi phạm nồng độ cồn cụ thể:

  • Tại Điểm c Khoản 6 Điều 6. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra, tại Điểm đ Khoản 10 Điều 6 người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 đến 12 tháng.
  • Tại Điểm c Khoản 7 Điều 6. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra tại Điểm e Khoản 10 Điều 6 người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
  • Tại Điểm e Khoản 8 Điều 6. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra tại Điểm g Khoản 10 Điều 6 người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

      Tóm lại, bia, rượu bia có tác hại rất lớn đối với cơ thể, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Chính vì thế mỗi người chúng ta cần phải nâng cao ý thức sử dụng bia, rượu ở mức hợp lý, bảo vệ sức khỏe cho bản thân là bảo vệ hạnh phúc cho gia đình, bảo vệ an toàn cho xã hội.

Cẩm Lài – Khoa Dược

  • Copy link
  • Mail
  • Twitter
  • Facebook
  • Chia sẻ:
Các tin khác