1. ĐẶT VẤN ĐỀ:

      Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra những cơ hội mới, đặt ra những thách thức mới và thay đổi sâu sắc đến nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành Dược học. Về tổng thể, vai trò của người dược sĩ không chỉ đơn thuần là cung cấp thuốc mà còn là người đồng hành quan trọng trong quá trình chăm sóc sức khỏe của cộng đồng. Để làm được điều đó, trong thời đại 4.0, đào tạo ngành Dược cần chú trọng vào việc áp dụng công nghệ mới kết hợp cùng phát triển nguồn nhân lực có khả năng tương ứng, đồng thời phải không ngừng đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu phát triển ngành dược và duy trì hợp tác quốc tế.

      Trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang là một trong những trường đào tạo ngành Dược uy tín tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Với đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, cơ sở vật chất và chương trình đào tạo luôn được cải tiến theo thời gian, trường đã và đang đào tạo ra nguồn nhân lực Dược chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài địa bàn tỉnh Kiên Giang. Từ những thực tiễn vận hành và những kết quả đạt được trong quá trình chuyển đổi số tại trường, hy vọng sẽ là những kinh nghiệm hữu ích đối với các cơ sở bạn.

2. THỰC TRẠNG THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG ĐÀO TẠO NGÀNH DƯỢC TẠI TRƯỜNG:

2.1. Thực tế triển khai:

      Đào tạo Dược là hoạt động dạy và học nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người học để có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khóa học và để nâng cao trình độ nghề nghiệp.

      Trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang từ lâu đã xác định chuyển đổi số là một xu thế tất yếu, đây là cốt lõi nâng cao chất lượng đào tạo ngành Dược, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Do đó, trường tập trung vào chuyển đổi số hai lĩnh vực chính của nhà trường là về Quản lý chung và về Tổ chức quá trình Đào tạo - Nghiên cứu khoa học. Những nội dung thực hiện chính là:

- Về quản lý: Các hoạt động được nhà trường tập trung thực hiện là: thay đổi mô hình, phương pháp quản trị; ứng dụng những triết lý tiên tiến vào thiết lập và vận hành hệ thống quản lý nhà trường; Chủ động phát triển và ứng dụng hệ thống phần mềm công nghệ thông tin trong quản lý; Số hóa thông tin, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, đồng bộ làm cơ sở cho hoạt động phân tích, dự báo và hỗ trợ ra quyết định tại các cấp.
- Về dạy học và nghiên cứu: gồm các hoạt động: Thiết lập nguồn tài nguyên số (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, công cụ đánh giá trực tuyến...); Thiết lập và vận hành hệ thống quản lý học tập LMS; Xây dựng và vận hành các công cụ đánh giá trực tuyến; Thiết lập các diễn đàn học tập và nghiên cứu; Hình thành hệ sinh thái học tập, xây dựng và vận hành các kênh hỗ trợ người học theo mô hình dịch vụ công trực tuyến.

          Một số thành quả áp dụng chuyển đổi số trong Đào tạo Dược tại trường bao gồm:

- Về hệ thống quản lý học tập (LMS): Việc áp dụng hiện tại dù chưa được đồng bộ hoá nhưng bước đầu đã có nhiều giáo viên áp dụng và cho kết quả khả quan. Trong đó, các giáo viên khoa Dược đã sử dụng Google Classroom để: Lưu trữ và hệ thống dữ liệu học tập (Giáo trình, bài tập, tài liệu tham khảo, báo cáo của sinh viên), quản lý điểm danh học viên, kiểm tra và đánh giá hiệu quả học tập theo từng lớp học.

- Ứng dụng ghi chú và sổ tay điện tử: Các giáo viên bộ môn Bào chế tại trường đang hoàn thiện "Cẩm nang thực hành môn Bào chế" riêng cho từng đối tượng Cao đẳng và Trung cấp tại trường. Đây là ứng dụng giúp sinh viên học tập hiệu quả hơn so với cách học từ giáo trình giấy đơn thuần.

- Kết nối dữ liệu chung: Toàn bộ hệ thống máy tính trong nhà trường đã được kết nối nội bộ và Internet bằng hệ thống đường truyền băng thông rộng. Từ năm 2019, với việc đưa vào áp dụng hệ thống phần mềm và ứng dụng quản lý riêng cho từng Khoa - Phòng chức năng, đảm bảo trên 90% hoạt động của nhà trường... được kết nối, quản lý và vận hành trên một cơ sở dữ liệu thống nhất theo thời gian thực.

- Ứng dụng hỗ trợ học tập: Sinh viên khoa Dược tại trường được hướng dẫn và khuyến khích sử dụng các ứng dụng học tập phù hợp cho mục đích riêng của bản thân. Nổi bật trong đó là Quizlet, Evernote, ... đặc biệt là bộ công cụ miễn phí từ Google để tiếp cận với AI. Song song đó, các giảng viên cũng liên tục cải tiến cách dạy và học tập các ứng dụng hỗ trợ dạy học mới như Kahoot, Quizizz, Blooket,....

- Về hợp tác đào tạo và việc làm: Nhà trường đã ký kết hợp tác về đào tạo với hơn 20 doanh nghiệp là các cơ sở đào tạo, công ty Dược, các Bệnh viện, Trung tâm kiểm nghiệm, các chuỗi nhà thuốc lớn uy tín. Đây là các cơ sở thực hành, thực tập có chất lượng mà nhà trường gửi sinh viên tới học tập, nghiên cứu. Từ việc nắm bắt được nhu cầu của thị trường lao động, trường đã xây dựng các chương trình đào tạo thực tế phản ánh thực trạng ngành dược để cung cấp cơ hội thực tập và dự án nghiên cứu cho sinh viên. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cam kết sẽ đón nhận sinh viên tốt nghiệp tại trường vào làm việc hằng năm.

2.2. Hiệu quả áp dụng:

      Từ việc tiếp cận từng bước một cách phù hợp, xác định đúng những nội dung cần thực hiện và có những kế hoạch cụ thể ứng dụng chuyển đổi số đã giúp cho trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang bước đầu hình thành hệ sinh thái số đặc thù riêng. Hiệu quả quản lý và vận hành các hoạt động trong nhà trường đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong nhà trường. Chuyển đổi số từng bước hiệu quả cũng giúp nhà trường nhanh chóng thích ứng với những vấn đề phát sinh. Trong 5 năm vừa qua, từ khi dịch COVID 19 diễn ra đến nay, các hoạt động của nhà trường từ tuyển sinh, nhập học, tổ chức quá trình đào tạo, đánh giá kết quả, cấp phát văn bằng...vẫn được triển khai bình thường trên môi trường số hoá.

      Tuy nhiên, hiệu quả của chuyển đổi số tại trường vẫn còn hạn chế do một số thách thức khách quan sau:

- Thách thức đầu tiên của công tác chuyển đổi số trong Đào tạo Dược là phải làm thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, cơ sở đào tạo. Nhận thức không thể chỉ diễn ra ở thượng tầng, tức là cá nhân, đơn vị hoạch định chính sách, kế hoạch, mà cần được diễn ra ở mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý, người học… Hiện vẫn còn tình trạng một bộ phận giảng viên chưa thích nghi kịp với công nghệ mới, chưa sẵn sàng cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, kết nối, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiên cứu và giảng dạy. Chưa kể một bộ phận người học đã quen với phương thức đào tạo truyền thống, “ngại” thay đổi theo phương thức đào tạo mới.

- Thách thức thứ hai là phát triển công nghệ mới trong đào tạo và quản lý còn chưa được quan tâm đầu tư đủ nhiều. Việc chuyển đổi số trong kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo ngành Dược cần tiếp tục đẩy mạnh để tìm giải pháp hữu hiệu, không ngừng cải tiến, nâng cao trách nhiệm giải trình, tự chủ trong kỷ nguyên công nghệ đột phá. Công tác số hóa (các dữ liệu) đòi hỏi phải có thời gian, công sức bởi số hồ sơ, tài liệu, chương trình, giáo trình, giáo án… dạng giấy tại nhà trường là một khối lượng rất lớn. Nếu không có kế hoạch, hướng dẫn chi tiết, thì rất khó để triển khai đồng bộ, hệ thống đảm bảo cho quá trình vận hành.

- Thách thức thứ ba là nhân lực cho chuyển đổi số. Vấn đề này đề cập đến toàn bộ khách thể và chủ thể trong lĩnh vực giáo dục nói chung, cụ thể nhất trong đó là giảng viên và học viên. Bối cảnh chuyển đổi số đòi hỏi giảng viên phải trang bị cho mình những kỹ năng mới để tổ chức hoạt động giảng dạy, duy trì sự chú tâm của người học, tổ chức các hoạt động dạy học cho người học trên không gian ảo được hiệu quả. Ở chiều ngược lại, sinh viên cần nâng cao tính chủ động, sáng tạo và hứng thú học tập.

- Thách thức thứ tư là hạ tầng số. Hạ tầng công nghệ cho chuyển đổi số về cơ bản phải bao gồm các thành phần như máy tính, mạng kết nối internet, các ứng dụng hỗ trợ dạy học, nguồn học liệu mở, hệ thống phần mềm hỗ trợ kiểm tra, đánh giá; và mở rộng hơn sau đó là các cơ sở dữ liệu lớn (Bigdata), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT), Blockchain,.v.v... Trong điều kiện đầu tư thiếu tính đồng bộ như hiện nay tại các cơ sở giáo dục nói chung, thì việc có được một hạ tầng số đảm bảo cho việc chuyển đổi cũng sẽ là một thách thức không nhỏ.

2.3. Một số bài học rút ra từ quá trình chuyển đổi số:

      Thứ nhất, thống nhất về nhận thức trong toàn nhà trường. Chuyển đổi số cần bắt đầu từ “Chuyển đổi” nhiều đơn vị đã nhận được những bài học đắt giá khi bắt đầu quá trình chuyển đổi số từ yếu tố “Số”, chỉ quan tâm đến nâng cấp hạ tầng, mua sắm thiết bị. Quá trình “chuyển đổi” cần diễn ra từ nhận thức, quá trình quản lý, phương pháp làm việc... đối với hoạt động đào tạo cần đặc biệt chú ý đến phương pháp Dạy, phương pháp Học và phương pháp tương tác trên môi trường số.

      Thứ hai, mô hình quản trị hiện đại là cốt lõi của hệ thống trường học số cần được hoàn thiện thông qua việc chuẩn hóa cơ cấu tổ chức, phương pháp quản trị, quá trình tác nghiệp cũng như chương trình đào tạo, công cụ quản lý, hệ thống thông tin, cơ chế an toàn và bảo mật hệ thống.. theo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Việc áp dụng các chuẩn quốc gia và quốc tế trong hoạt động quản lý và vận hành quá trình đào tạo và nghiên cứu trong nhà trường là cơ sở để thiết lập và vận hành có hiệu quả hệ thống quản lý nhà trường.

      Thứ ba, nguồn nhân lực “số” bao gồm những cá nhân đủ năng lực vận hành các quá trình quản lý, đào tạo, nghiên cứu... trên môi trường số là đặc biệt quan trọng. Một nền tảng tài nguyên số dồi dào, hệ thống quản lý dạy học hiện đại cũng sẽ không mang lại hiệu quả khi thiếu đội ngũ giảng viên làm chủ phương pháp và tổ chức hiệu quả quá trình đào tạo trên môi trường số. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục các cấp cũng cần quan tâm đội ngũ chuyên gia có khả năng phát triển các hệ thống quản lý, phát triển học liệu số.. để mở rộng hệ sinh thái số và kho tài nguyên số trong nhà trường.

      Thứ tư, cơ sở hạ tầng cho một hệ sinh thái số, môi trường của Trường học thông minh từ hạ tầng CNTT, cơ sở dữ liệu, hệ thống thiết bị thông minh, hệ thống phần mềm hệ thống và các ứng dụng cung cấp dữ liệu cho bigdata.. cần được lên lộ trình đầu tư thích hợp theo nhu cầu sử dụng và khả năng tài chính của từng trường.

      Thứ Năm, hình thành và làm giàu kho tài nguyên số phục vụ cho quá trình đào tạo và nghiên cứu cần được đặc biệt quan tâm. Kinh nghiệm từ hoạt động của trường cho thấy, kho tài nguyên số có thể hình thành và phát triển từ các nguồn nội sinh thông qua kết quả của các hoạt động phát triển bài giảng, nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên. Tuy nhiên, sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu thiết lập được các kênh kết nối, chia sẻ tài nguyên số giữa các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong và ngoài nước. Các trường thuộc Bộ có thể xem xét hình thành một hệ thống liên kết số nhằm kết nối, chia sẻ nguồn tài nguyên này.
3. KẾT LUẬN

      Hiểu đúng về chuyển đổi số, xác định đúng các vấn đề đặt ra để xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số hợp lý nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo có ý nghĩa rất quan trọng với các trường Cao đẳng Dược trong giai đoạn hiện nay. Chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục Cao đẳng cần được xem là giải pháp lâu dài, mang tính chiến lược, gắn với những cải cách mạnh mẽ, triệt để trong giảng dạy, học tập và quản lý đào tạo, chứ không phải là giải pháp tình huống ứng phó nhất thời. Trong chuyển đổi số thì quan trọng nhất không phải công nghệ, cũng không phải là đầu tư kinh phí mà chính là quyết tâm chính trị cao của người đứng đầu các nhà trường và nhận thức sẵn sàng thay đổi của đội ngũ viên chức, giảng viên trong nhà trường.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực (2021), Báo cáo Thực trạng và Giải pháp chuyển đổi số trong GDNN, tài liệu phục vụ cho phiên họp thứ 2 năm 2021.

2. Mai Văn Tỉnh, Lê Thị Mai Hoa (2022), Ứng dụng công nghệ đột phá, chuyển đổi số trong GDNN, truy cập từ http://gdnn.gov.vn/AIAdmin/News/View/tabid/66/newsid/39090/seo/Ung-dung-cong-nghe-dot-pha-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-nghe-nghiep/Default.aspx.

3. Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4".

4. Tổng cục Dạy nghề (2022), Báo cáo tình hình hoạt động năm 2022 và kế hoạch năm 2023.

5. Trần Văn Dàng (2020), Một số đề xuất nhằm phát triển Trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên theo mô hình trường học thông minh, Tạp chí Giáo dục, Số 484, 61-64.

6. Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

 

DS. Trần Ngọc Nghĩa

  • Copy link
  • Mail
  • Twitter
  • Facebook
  • Chia sẻ:
Các tin khác