1. Dược liệu Tía Tô

Tên khoa học Perilla frutescens (L.) Britt, họ Bạc hà (Lamiaceae)

Còn gọi là tử tô, tử tô tử, tô ngạnh.

- Tử tô tử (tô tử, hắc tô tử-Fructus Perillae) là quả chín phơi hay sấy khô (ta gọi nhầm là hạt) của cây tía tô.

- Tử tô (Herba Perillae) là cành non có mang lá của cây tía tô phơi hay sấy khô.

- Tử tô diệp (Folium Perillae) là lá phơi hay sấy khô .

- Tô ngạnh (Tử tô ngạnh - Caulis Perillae) là cành non hoặc cảnh già phơi hay sấy khô.

 

*Vị trí phân loại của chi Perilla  

Giới thực vật: Plantae

Ngành ngọc lan:  Magnoliophyta

Lớp ngọc lan: Magnoliopsida

Phân lớp hoa môi: Lamiidae

Bộ hoa môi: Lamiales

Họ hoa môi: Lamiaceae

Chi: Perilla

2. Đặc điểm thực vật 

      Tía tô là một loại cây nhỏ mọc hằng năm, cao chừng 0,5 - 1,0m. Thân vuông, mọc đứng, phân cành nhiều, có rãnh dọc và có lông. Lá mọc đối, hình bầu dục, dài 2-3 cm gốc tròn, đầu nhọn, mép khía răng và uốn lượn, mặt trên xanh lục, ở dưới màu tía, có khi cả hai mặt đều tía có lông; cuống lá dài. Khi vò ra, lá có mùi thơm đặc biệt. Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành, dài 6 – 20 cm, lá bắc hình mác, dài hơn hoa, hoa nhỏ, màu trắng hay tím, đài hình chuông, phình ở phía dưới, môi trên cụt, 3 răng bằng nhau, ngắn, môi dưới 2 răng, tràng có ống hình chuông, có lông ở mặt ngoài, gồm 5 cánh, nhị 4 ẩn trong tràng, chỉ nhị ngắn, đính ở 1/3 phía trên ống tràng, bao phấn hình mắt chim, lúc đầu song song sau chẽ ra, bầu có vòi nhụy xẻ đôi. Quả bế, hình cầu, đường kính 1mm, màu nâu sáng.

 

3. Phân bố, thu hái và chế biến

      Tía tô được trồng rộng rãi và sử dụng phổ biến như một loại thực phẩm không thể thiếu trong nhiều món ăn truyền thống ở Việt Nam và các nước Châu Á, đặc biệt ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam,... Tía tô còn là một loại dược liệu cổ truyền có nhiều tác dụng hữu ích trong nền y học cổ truyền Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam.

      Tuỳ theo mục đích trồng lấy lá hay lấy hạt, cách thu hoạch có thay đổi: Tía tô gieo vào tháng 1-2 thì tháng 3-4 đã có thể hái lá lần thứ nhất. Lúc hái chỉ nên hai lá già, sau đó ít lâu (một tháng sau) lại có thể hái một lần nữa. Sau lần thứ nhất, cần chăm sóc bằng cách tưới nước tiểu pha thêm nước lã, hay dùng khô dấu giã nhỏ, bón vào gốc sau khi xới đất cho nhỏ. Thông thường một cây chỉ hái 2-3 lần lá. Nếu cây tía tô sau khi hái lá cứ để nguyên, thì đến đầu mùa thu, quả sẽ già và hái được, nhưng thường những cây tía tô đã hải lá rất ít hát hay hạt nhỏ và kém cho nên sau khi hái hết lá, người ta chặt cây, lấy đất trồng cây khác. Cành chặt ra dùng làm thuốc với tên tổ ngạnh.

      Những cây để lấy hạt làm giống hay làm thuốc thì không hái lá. Cây tía tô để lấy hạt, sau khi hạt đã già, cắt cả cành có hạt mang về phơi hay sấy khô trong mất (tránh phơi nắng to, hay sấy ở nhiệt độ cao hoạt chất sẽ giảm), rũ lấy hạt, bỏ cành và tạp chất. Tiêu thụ nhiều nhất là lá. Lá hái về, cũng phải phơi khô trong mất hay sấy nhẹ độ để giữ lấy hương vị.

4. Thành phần hoá học

      Tía tô có khoảng 271 hợp chất đã được báo cáo bao gồm: acid phenolic, flavonoid, triterpenes, hợp chất dễ bay hơi, Policosanol, carotenoid, acid béo, tocopherols và phytosterol. Ngoài các chất chiết xuất từ dung môi thô, các chất phytochemical này (acid rosmarinic, perillaldehyde, luteolin, apigenin, acid dayic, isoegomaketone) là các hợp chất tự nhiên được nghiên cứu nhiều nhất có nguồn gốc từ các loài tía tô, có các hoạt tính sinh học khác nhau như tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống dị ứng, chống trầm cảm, chống viêm, chống ung thư và bảo vệ thần kinh.

      Trong toàn cây tía tô có chứa 0,5% tinh dầu, trong tinh dầu, thành phần chủ yếu là perilla-andehyd C10H14O, (55%), limonen khoảng 20-30%, α-pinen và dihydrocumin C10H14O. Chất perilla andehyd có mùi thơm đặc biệt của tía tô, chất perilla andehyd anti-oxim ngọt gấp 2.000 lần đường, khó tan trong nước, đun nóng sẽ phản giải, có độc, cho nên không dùng làm chất điều vị được, nhưng có người dùng làm ngọt thuốc lá. Chất màu trong lá tía tô là do este của chất xyanin clorit C27H31O16Cl. Ngoài các chất trên. trong tía tô còn chứa adenin C5H5N5 và acginin C6H14N4O2.

      Trong hạt tía tô có 45-50% chất dầu lỏng, màu vàng, mùi và vị của dầu lanh (huilede lin), thuộc loại dầu khô, có chỉ số iốt vào loại cao nhất (206), chỉ số xà phòng 189,6 tỷ trọng 0,930.

5. Tác dụng của tía tô trong điều trị bệnh gout

      Năm 2017 theo thực nghiệm của các nhà khoa học Hàn Quốc: Jin CH, So Y, Nam B, Han SN, Kim JB thuộc Viện công nghệ bức xạ tiên tiến, Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc; Khoa Thực phẩm và Dinh dưỡng, Đại học Sinh thái Con người, Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, được đăng tải trên Thư viện y khoa Quốc Gia Hoa Kỳ - Viện Y tế quốc gia - PubMel.gov cho thấy chiết xuất isoegomaketone (IK) được phân lập từ Tía tô Perilla frutescens var. Crispa có tác dụng tốt trong thực nghiệm giúp ức chế sự phát triển của viêm khớp dạng thấp, giảm các triệu chứng viêm, đau, sưng nề trên mô hình thí nghiệm. Thực nghiệm cũng tiến hành so sánh hiệu quả chống viêm của Tía tô với hoạt chất Apigenin - dược chất được sử dụng phổ biến trong y học hiện đại ngày nay. Kết quả thực nghiệm cho thấy isoegomaketone (IK) từ chiết xuất Tía tô cho hiệu quả chống viêm trong điều trị các bệnh viêm mạn tính như viêm khớp, thấp khớp hơn hẳn so với điều trị bằng Apigenin. 

      Ở nhật, theo công trình nghiên cứu về dược tính của các hợp chất mới trong cây Tía tô Perilla frutescens var. Acuta ức chế enzym Xanthine Oxidase (XO) cho hiệu quả trong việc điều trị hạ acid uric huyết ở bệnh nhân Gout. Các giáo sư, tiến sĩ Tsutomu Nakanishi, Masatoshi Nishi, Akira Inada, Hiroshi Obata, Nobukazu Tanabe, Shiro Abe và Michio Wakashiro thuộc khoa Dược, Đại học Setsunan, Hirakata, Osaka và Phòng Nghiên cứu và Phát triển, Gunze Limited, Ayabe, Kyoto, Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu và phân lập các loại este caffeic từ lá Tía tô tác động ức chế enzym Xanthine Oxidase so sánh với 143 loài cây dược liệu. Và tiến hành so sánh hiệu quả với thuốc Allopurinol trong điều trị hạ acid uric huyết ở bệnh nhân Gout hiện nay.

      Trung quốc nghiên cứu cách ly bằng phương pháp phân tích sinh học và nhận biết các thành phần ức chế enzym Xanthin Oxidase từ lá của cây Tía tô Perilla frutescens (L.) Britt. Nghiên cứu được thực hiện bởi các giáo sư, tiến sĩ Li-Na Huo, Wei Wang, Chun-Yu Zhang, Hai-Bo Shi, Yang Liu, Xiao-Hong Liu, Bing-Hua Guo, Dong-Mei Zhao và Hua Gao thuộc Đại học Dược, Đại học Thanh Đảo, Sơn Đông, Trung Quốc; theo kết quả nghiên cứu được công bố vào 25 tháng 9 năm 2015 cho thấy các hoạt chất trong lá Tía tô bao gồm: acid caffeic, vinyl caffeate, acid rosmarinic, methyl rosmarinate, và apigenin có tác dụng ức chế mạnh mẽ enzym Xanthine Oxidase. Trong đó 4 hợp chất acid caffeic, vinyl caffeate, acid rosmarinic, methyl rosmarinate đều có tác dụng ức chế cạnh tranh giống như sử dụng thuốc Allopurinol, riêng hợp chất apigenin không chỉ có tác dụng ức chế cạnh tranh mà còn tương tác với enzym tại một địa điểm khác ngoài trung tâm hoạt động. Nghiên cứu không những cho thấy hiệu quả cao của các hợp chất trong Tía tô ức chế enzym Xanthine Oxidase giúp chữa trị bệnh Gout hiệu quả mà còn đưa ra bằng chứng về tác dụng chống nấm đại tràng, tốt cho đường tiêu hóa, người ăn kiêng.

      Tại Việt Nam, trong một nghiên cứu năm 2017, nhóm tác giả Đặng Kim Thu, Nguyễn Thị Kim Thu, Bùi Thanh Tùng đã nghiên cứu về tác dụng của chất ức chế enzym xanthin oxidase (XO) từ dịch chiết lá Tía Tô trong điều trị hạ acid uric. Acid rosmarinic có tác dụng ức chế enzym xanthin oxidase (XO), là một enzym có vai trò quan trọng trong tổng hợp acid uric. Enzym XO xúc tác các phản ứng cuối của quá trình chuyển hóa purin thành acid uric. Do đó, các chất ức chế enzym XO làm giảm sinh tổng hợp acid uric đã được sử dụng để phòng và điều trị bệnh Gout. Ngoài ra, acid rosmarinic còn ức chế mạnh mẽ sự giải phóng HMGB1 và các phản ứng viêm phụ thuộc HMGB1 được điều hòa trong các tế bào nội mô của con người. Và ức chế sự tăng hoạt tính và di chuyển bạch cầu qua trung gian HMGB1 ở chuột. Kết quả nghiên cứu báo cáo rằng cao chiết ethanol 50% tía tô có tác dụng ức chế enzym XO in vitro với giá trị IC50 là 25,32 µg/mL. Kết quả đánh giá tác dụng hạ acid uric máu chuột nhắt trên mô hình gây tăng acid uric bằng kali oxonat cũng chỉ ra rằng cao tía tô với liều 200 mg/kg có tác dụng giảm acid uric máu có ý nghĩa thống kê. 

      Năm 2023, trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã có thử nghiệm trên chuột để nghiên cứu về tác dụng hạ Acid Uric máu với cao chuẩn hóa thành phần acid rosmarinic. Nhóm  nghiên  cứu  đã xây  dựng  mô  hình  chuột tăng  acid  uric  huyết  bằng  cách  sử  dụng kalioxonat tiêm phúc  mô cho chuột nhắt với liều 300mg/kg. Đây  là mô hình được sử dụng rộng rãi để đánh  giá  tác dụng của thuốc trong trường hợp tăng acid uric. Sau đó nhóm sử dụng Cao Tía Tô để điều trị. Kết quả cho thấy Cao Tía Tô ở liều 0.5g/kg và 1g/kg đều có tác dụng hạ acid uric trong huyết tương. Tuy nhiên liều 1g/kg thể hiện tác dụng hạ acid uric tốt hơn ở phác đồ dự phòng cấp.

Tất cả những kết quả nghiên cứu trên đây chỉ ra rằng Tía Tô là dược liệu có tiềm năng rất lớn trong điều trị bệnh Gout sau này.

ThS.DS. Tiêu Thị Hồng Anh

Tài liệu tham khảo

1. Đỗ Huy Bích (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, tr. 943-949

2. Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr. 648-649

3. Đặng Kim Thu, Nguyễn Thị Kim Thu, Bùi Thanh Tùng (2017), "Tác dụng ức chế enzym xanthin oxidase và hạ acid uric máu của dịch chiết lá tía tô (Perilla frutescens L.)", Tạp chí Dược học, 499, tr. 65-67

4. Đỗ Thị Thu Hiền, Lê Hữu Phước, Đỗ Châu Minh Vĩnh Thọ (2023), "Nghiên cứu tác dụng hạ acid uric huyết trên chuột nhắt trắng của cao chuẩn hóa thành phần acid rosmarinic từ lá tía tô (Folium Perillae Frutescensis) ", Tạp chí y học Việt Nam, 530, tr.97-100

5. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6337106/ngày truy cập: 25/05/2024.

 

  • Copy link
  • Mail
  • Twitter
  • Facebook
  • Chia sẻ:
Các tin khác