Ngày 27/2/1955, nhân dịp tổ chức hội nghị cán bộ y tế, Bác Hồ đã gửi thư cho Hội nghị căn dặn ba điều:
- Trước hết là phải thật thà đoàn kết – Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sỹ, dược sỹ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.
- Thương yêu người bệnh – Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy , cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. "Lương y phải như từ mẫu", câu nói ấy rất đúng.
- Xây dựng một nền y học của ta – Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng.
Thư của Bác Hồ gửi hội nghị cán bộ y tế
Do ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, năm 1985 Đảng và Nhà nước ta đã quyết định lấy ngày 27/2 hàng năm là Ngày thầy thuốc Việt Nam. Trải qua các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc đã có biết bao thế hệ cán bộ, nhân viên ngành y tế đã có mặt trên khắp các nẻo đường của Tổ quốc để phục vụ sức khỏe bộ đội và nhân dân, kể cả trực tiếp cầm súng đánh giặc giữ nước. Đã có không ít người đã để lại một phần cơ thể mình nơi chiến trường, mang trong mình những căn bệnh quái ác do chất độc hóa học của chiến tranh, thậm chí nhiều người đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường mà không bao giờ trở lại, tiêu biểu như liệt sỹ- bác sỹ Đặng Thùy Trâm.
Đây là dịp để chúng ta tiếp tục bày tỏ sự trân trọng, tôn vinh và cảm ơn những người thầy thuốc Việt Nam. Càng tự hào về truyền thống vẻ vang và những thành tựu to lớn mà ngành Y tế nước ta đã đạt được, chúng ta càng nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, vượt qua mọi khó khăn mọi thách thức, ra sức khắc phục những hạn chế yếu kém, tiếp tục xây dựng ngành Y tế Việt Nam ngày càng vững mạnh, đáp ứng cao hơn, tốt hơn nữa nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân, để xứng đáng với sự hy sinh, phấn đấu của các thế hệ thầy thuốc Việt Nam, xứng đáng niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cán bộ và nhân viên ngành y tế tiếp tục học tập, nghiên cứu khoa học và cứu chữa người bệnh, đóng góp xứng đáng vào phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện. Có rất nhiều giáo sư, bác sĩ đã được nhà nước vinh danh phong tặng là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, chiến sỹ thi đua như: giáo sư tiến sỹ Tôn Thất Tùng, giáo sư Đặng Văn Ngữ, giáo sư Hoàng Đình Cầm, giáo sư Lê Thế Trung, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch... Đó là những tấm gương sáng về đạo đức, tinh thần vì nước, vì dân, sống hết mình vì người bệnh , xứng đáng là tấm gương sáng để các thế hệ sau noi theo và phát huy để phục vụ tốt hơn nữa trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, lực lượng y tế đã được ví như những người lính cảm tử nơi tuyến đầu giáp mặt với tử thần, không quản ngại vất vả, khó khăn, nguy hiểm, hy sinh để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, trực tiếp cứu chữa người bệnh trong cơn thập tử nhất sinh. Đã có nhiều hình ảnh, câu chuyện, đoạn phim phản ánh chân thực sự vất vả, nhọc nhằn và hy sinh của những "chiến sĩ áo trắng" với bộ trang phục bảo hộ kín mít toàn thân ướt sũng mồ hôi, đôi tay bợt bạt, nhăn nheo, ánh mắt bơ phờ mệt, trên gương mặt in hằn dấu vết của đồ bảo hộ. Họ lăn lộn ở khắp các tâm dịch, giữa trời nắng gay gắt 39-40 độ truy tìm mầm bệnh khiến không ít người xót xa. Sự hy sinh, cống hiến vì sức khỏe nhân dân của các "chiến sĩ áo trắng" là không thể đong đếm được.Bên cạnh đó là những gian khổ khi phải xa gia đình, người thân kéo dài, làm việc dài ngày trong môi trường lây nhiễm và căng thẳng, nhưng những khó khăn, nguy "không để ai bị bỏ lại phía sau". Áp lực, vất vả là thế nhưng không làm giảm đi ý chí của họ. Điều đó không cản trở được tinh thần của người thầy thuốc với phương châm vụ với nghề, mà còn là trách nhiệm công dân khi Tổ quốc cần, là nghĩa Đồng bào, là tình đồng chí cao cả.
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam không chỉ là ngày tôn vinh nghề thầy thuốc, mà còn là ngày nhắc nhở mọi người hãy sẻ chia với những khó khăn của ngành Y tế. Chúng ta vẫn có thể tôn vinh các thầy thuốc bằng cái nhìn thiện cảm hơn, biểu dương những việc làm tốt của họ, khuyến khích họ sáng tạo và có các giải pháp hữu hiệu bảo vệ các thầy thuốc chân chính. Sự đồng cảm, chia sẻ của người bệnh, của Nhân dân là liều thuốc tiếp thêm sức mạnh cho các lực lượng y tế vững lòng thực hiện sứ mệnh cao cả bảo vệ, chăm sóc, điều trị và nâng cao sức khỏe nhân dân./.
Tổng hợp: Quang Trung